Văn hóa Nam_Ông_mộng_lục

Tác phẩm cung cấp cái nhìn cận cảnh về sinh hoạt An Nam thời đầu tự chủ với sự dung hòa rõ rệt của văn hóa Nho-Phật-Đạo (tam giáo đồng nguyên). Đồng thời, ghi lại nét tính cách cùng một số tác phẩm của các tác gia tiêu biểu thời kì này, mà tới nay ngoài Nam ông mộng lục không còn cứ liệu nào xác minh. Cho tới năm 2020, Nam ông mộng lục vẫn là tác phẩm hoàn chỉnh nhất về giai đoạn Lý-Trần-Hồ do một người từng trải qua những thời khắc trọng đại nhất ở mạt kì soạn ra, cho nên tính tư liệu sâu sắc hơn bất kì văn phẩm nào cùng thời, được coi là sự bổ khuyết thấu đáo nhất cho chính sử.

  • GS. Nguyễn Huệ Chi: Cuốn sách là một tập ghi chép về các mẩu chuyện "người thiện", "người tài" của đất nước Đại Việt. Những mẩu chuyện này được hồi ức lại như là một giấc mơ về dĩ vãng của Hồ Nguyên Trừng. Sách được viết, được in và lưu hành ở Trung Quốc nên không khỏi có những hạn chế do những điều kiện chính trị và xã hội ở nơi nó ra đời...Tuy vậy, qua 28 thiên truyện còn lại, ta không hề thấy tác giả có lời nào nhằm biểu dương công ơn "khai hóa" của "thiên triều" đối với người Nam (tức Đại Việt). Trái lại, điều tác giả muốn gửi gắm là: "nước Nam vốn cũng có những con người rất đẹp, tiêu biểu cho đạo đức, phẩm chất và tài năng, có thể đem ra làm gương cho đọc giả phương Bắc (ý chỉ Trung Quốc) cùng soi"... Xét mặt khác, do chỗ phải dùng trí nhớ để ghi lại, chứ không có tài liệu, nên nhiều truyện khá ngắn ngủi. Tất nhiên hiệu quả cũng bị giảm sút, nhất là nếu đem so sánh chúng với những truyện mang nội dung tương đương trong Lĩnh Nam chích quái.[7]
  • Nhà nghiên cứu Trần Văn Giáp: Mặc dù đã thoát nạn chết, lại được làm quan cao, bổng lộc hậu dưới triều Minh; Nguyên Trừng vẫn không quên tổ quốc, tên quyển sách này đủ chứng tỏ lòng quyến luyến quê hương của ông... Sách chép theo lối cũ, tuy đầy tư tưởng phong kiến đời Trần... Nhưng gạt bỏ những hạn chế, ta vẫn có thể khảo sát được nhiều nét về đời sống xã hội của nước Việt lúc bấy giờ.[8]